Thứ Tư, 6 tháng 4, 2016

MỘT SỐ ĐIỀU CƠ BẢN GIÁO VIÊN NÊN BIẾT


Ai cũng biết để trở thành một giáo viên mẫu mực, chuyên nghiệp người giáo viên cần trang bị cho mình những kiến thức giảng dạy phong phú, phương pháp tiếp cận đa dạng. Global Education trích đăng những một số điều cơ bản mà những người làm nghề giáo nên biết.

Điều 1
Hãy vui cùng những thành tích (dù rất nhỏ) của học trò đồng thời hãy chia sẻ những thất bại với chúng.
Điều 2...
Gần gũi và thân thiện với học trò, hãy cố gắng để chúng luôn cởi mở với bạn. Hãy vừa là bạn vừa là thầy của chúng.
Điều 3
Đừng ngại thừa nhận với học trò là mình không biết về một vấn đề nào đó. Hãy cùng chúng tìm câu trả lời.
Điều 4
Hãy cố gắng khơi dậy sự tự tin trong mỗi em học sinh. Khi đó chúng sẽ đạt tới nhiều đỉnh cao trong học tập.
- Hè này học tiếng Anh ở đâu?
- Học TOEIC online như thế nào?
- Bí quyết đạt điểm cao bài thi TOEFL-iBT
Điều 5
Đừng đòi hỏi một “kỷ luật lý tưởng” trong giờ học. Bạn đừng độc đoán quá, hãy nhớ rằng giờ học là một phần cuộc sống của đứa trẻ, vì vậy đừng làm cho giờ học gò bó quá, cứng nhắc quá. Qua mỗi giờ học đứa trẻ cần trở thành một nhân cách cởi mở, say mê, sáng tạo và phát triển toàn diện.
Điều 6
Hãy cố gắng để giờ giảng của bạn không khuôn mẫu quá, chuẩn mực quá. Tuyệt vời nhất là trong mỗi giờ học đều có những “phát minh” nho nhỏ được diễn ra, những chân lí nho nhỏ được phát hiện, những đỉnh cao tri thức được chinh phục và những cuộc tìm kiếm bắt đầu.
Điều 7
Các cuộc gặp gỡ với phụ huynh học sinh cần thiết thực và hiệu quả. Mỗi buổi họp phụ huynh là dịp để bạn cung cấp thêm cho họ những kiến thức về tâm lí, sư phạm, về quá trình học tập.
Điều 8
Hãy bước vào lớp với nụ cười. Khi học trò chào, hãy nhìn vào mắt từng em để hiểu được tâm trạng của chúng, vui thì chia vui, buồn thì chia sẻ, động viên.
Điều 9
Hãy luôn ghi nhớ: Học trò không phải là một chiếc bình cần đổ đầy kiến thức, các em là những ngọn đuốc cần được thắp lên.
Điều 10
Điểm kém ảnh hưởng không tốt đến việc hình thành nhân cách của học trò. Bạn hãy cố gắng chừng nào có thể để tránh cho các em bị điểm kém. Hãy tìm cách khác để khắc phục tình trạng này.



Thứ Tư, 30 tháng 3, 2016

KHÁI QUÁT VỀ TÌNH HUỐNG TRUYỆN TRONG TRUYỆN NGẮN


KHÁI QUÁT VỀ TÌNH HUỐNG TRUYỆN TRONG TRUYỆN NGẮN

(NGUỒN: http://soanbaionline.net/2014/11/khai-quat-ve-tinh-huong-truyen.html)

1. Khái niệm truyện ngắn
Nhận diện thể loại truyện ngắn cũng như sáng tạo về thể loại truyện ngắn là một nỗ lực liên tục cho cả người sáng tác và giới nghiên cứu phê bình.
Từ W. Gớt thế kỷ XVII cho đến Sêkhốp, từ Lỗ Tấn đến Môpatxăng, từ Antônốp thế kỷ XIX -XX, đến Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Kiên… họ đã đưa ra những cách phân biệt khác nhau. Các khái niệm thường xoáy vào bình diện chính: dung lượng, cốt truyện, nhân vật, chi tiết, ngôn ngữ… để khái quát thành đặc trưng.
Người cho truyện ngắn là một “khoảnh khắc”, một “trường hợp”, người nhấn mạnh vào nhân vật, vào tính súc tích của chi tiết, cô đúc của ngôn từ… Ở phần chủ yếu, chúng ta có thể hình dung: truyện ngắn là một tác phẩm tự sự cỡ nhỏ mà nội dung thường chỉ xoay quanh một tình huống truyện chủ chốt nào đó.
2. Khái niệm và vai trò của tình huống truyện
Theo Hêghen, nhà triết học, mỹ học lỗi lạc người Đức (1770- 1831) trong tác phẩm nổi tiếng Mỹ học đã dành nhiều trang viết về tình huống: “Nói chung tình huống là một trạng thái có tính chất riêng biệt và trở thành được quy định. Ở trong thuộc tính này của nó, tình huống góp phần biểu lộ nội dung là cái phần có được một sự tồn tại bên ngoài bằng sự biểu hiện nghệ thuật”.
Nhà văn Nguyễn Minh Châu cho rằng: “Với truyện ngắn và với một tác giả có kinh nghiệm viết, tôi nghĩ rằng đôi khi người ta nghĩ ra được một cái tình thế xảy ra chuyện, thế là coi như xong một nửa…Những nhà văn có tài đều là những người có tài tạo ra những tình thế xảy ra chuyện vừa rất cá biệt vừa mang tính phổ biến hoặc tượng trưng” và “…những người cầm bút có cái biệt tài có thể chọn ra trong cái dòng đời xuôi chảy một khoảnh khắc thời gian mà ở đó cuộc sống đậm đặc nhất, chứa đựng nhiều ý nghĩa nhất, một khoảnh khắc cuộc sống…nhưng bắt buộc con người ở vào một tình thế phải bộc lộ ra cái phần tâm can nhất, cái phần ẩn náu sâu kín nhất, thậm chí có khi là khoảnh khắc chứa đựng cả một đời người, một đời nhân loại” (Nguyễn Minh Châu, Trang giấy trước đèn, NXB KHXH, H. 1994, tr. 258).
Như vậy, tình huống còn được gọi là tình thế và các nhà văn Việt Nam quen dùng tình thế hơn là tình huống. Nhà văn Nguyễn Kiên đã hơn một lần nói về bản chất và vai trò của tình huống: “Theo quan niệm của tôi, mỗi truyện ngắn chỉ tập trung vào một tình thế nảy sinh trong cuộc sống. Nếu truyện ngắn có đến hơn một tình thế thì truyện ngắn đó lập tức bị phá vỡ”. (Nhiều tác giả, Nghệ thuật viết truyện ngắn và ký, NXB Thanh niên, H. 2000, tr. 44).
Nhà văn Nguyên Ngọc khi bàn về truyện ngắn đã đặc biệt chú ý đến vấn đề tình huống: “Truyện ngắn dẫu sao cũng phải ngắn, do đó thủ thuật chủ yếu của truyện ngắn là thủ thuật điểm huyệt […] Truyện ngắn điểm huyệt thực hiện bằng cách nắm
bắt trúng những tình huống cho phép phơi bày cái chủ yếu nhưng lại bị che giấu trong muôn mặt cuộc sống hàng ngày”. (Bùi Việt Thắng, Truyện ngắn – những vấn đề lý thuyết và thực tiễn thể loại, NXB ĐHQGHN, H. 2000, tr. 114).
Từ một số ý kiến trên, có thể khái quát về tình huống truyện như sau: Đối với truyện ngắn, tình huống giữ vai trò là hạt nhân của cấu trúc thể loại, nó chính là cái hoàn cảnh riêng được tạo nên bởi một sự kiện đặc biệt khiến cho tại đó, cuộc sống hiện lên đậm đặc nhất và ý đồ tư tưởng của tác giả cũng được bộc lộ sắc nét nhất.
3. Phân loại tình huống
Hiện nay, còn nhiều cách phân loại tình huống khác nhau: Cơ bản có 3 cách phân loại như sau:
Cách thứ nhất: Chia tình huống thành các kiểu: Tình huống kịch; Tình huống tâm trạng; Tình huống tượng trưng.
Cách thứ hai: Chia tình huống thành các kiểu: Tình huống thắt nút; Tình huống tương phản; Tình huống luận đề.
Cách thứ ba: Chia tình huống thành các kiểu: Tình huống hành động; Tình huống tâm trạng; Tình huống nhận thức.
Trong ba cách phân loại trên, thì cách phân loại thứ 3 có lẽ dễ tiếp nhận, phù hợp với giáo viên và học sinh THPT. Theo cách phân loại này, thì ba loại tình huống nêu trên tạm thời được TS Chu Văn Sơn phân biệt như sau:
– Tình huống hành động: Là loại sự kiện đặc biệt mà trong đó nhân vật bị đẩy tới một tình thế (thường là éo le) chỉ có thể giải quyết bằng hành động. Tình huống này thường hướng tới một kiểu nhân vật: Nhân vật hành động. Tức là loại nhân vật chủ yếu được hiện lên bằng hệ thống hành vi, hành động của nó, các bình diện khác ít được quan tâm. Do đó, nó quyết định đến diện mạo của toàn truyện: truyện ngắn giàu kịch tính.
– Tình huống tâm trạng: Đó là sự kiện đặc biệt của đời sống mà ở đó nhân vật rơi vào một tình thế làm nảy sinh một biến động nào đó trong thế giới tình cảm. Tình huống này thường dẫn tới một kiểu nhân vật là: con người tình cảm. Nghĩa là kiểu nhân vật được hiện lên chủ yếu bằng thế giới nội cảm của nó, nhà văn tạo dựng nên hình tượng nhân vật chủ yếu bằng một hệ thống chất liệu là cảm giác, cảm xúc với các phức hợp khác nhau của chúng. Còn các khía cạnh khác (như ngoại hình, hành động, lí tính…) ít được quan tâm. Và vì thế, nó quyết định đến diện mạo của toàn truyện: truyện ngắn trữ tình.
– Tình huống nhận thức: Đó là sự kiện đặc biệt của đời sống mà tại đó nhân vật được đẩy tới một tình thế bất thường: đối mặt với một bài học nhận thức, bật lên một vấn đề (về nhân sinh, về nghệ thuật) cần phải vỡ lẽ, giác ngộ. Kiểu nhân vật của dạng tình huống này đương nhiên là: nhân vật tư tưởng. Nghĩa là kiểu nhân vật được khai thác c hủ yếu ở đời sống nhận thức lí tính của nó. Chất liệucơ bản để dệt nên nhân vật là hệ thống những quan sát, phân tích, suy lí, đúc kết, chiêm nghiệm,… Mà trường hợp đậm đặc nhất là mỗi nhân vật giống như một tư tưởng được nhân vật hoá vậy. Diện mạo của loại truyện ngắn này cũng đương nhiên là nghiêng về triết luận.
Sự phân loại như trên là tương đối. Trong thực tế, các dạng ấy đều ít nhiều có tính pha tạp chứ không hoàn toàn"thuần chủng" như mô tả. Viêc nhận diện chỉ dựa vào sự nổi trội của yếu tố nào đó.
4. Phương pháp tiếp cận tình huống
Theo TS. Chu Văn Sơn, quy trình tiếp cận tình huống gồm các bước sau:
4.1. Xác định tình huống truyện :
-Đặt câu hỏi: Sự kiện nào bao trùm và chi phối toàn bộ thiên truyện này? Hay sự kiện bao trùm nào đã giúp tác giả dựng lên toàn bộ truyện ngắn này?…
-Tổng hợp các tình tiết: Lướt qua những tình tiết chính và xác định một trong các tình tiết ấy đóng vai trò bao trùm, chi phối quán xuyến toàn truyện, hay chúng chỉ là những thành tố nối kết với nhau để làm thành một sự kiện lớn hơn, sự kiện ấy mới trùm lên tất cả?
-Tìm tên gọi để định danh. Đây là khâu khá then chốt, chưa tìm được tên thích hợp thì xem như tình huống vẫn còn nằm ngoài tầm tay của ta vậy.
4.2. Phân tích tình huống: Cần phân tích trên các bình diện cơ bản sau:
-Diện mạo của tình huống (bình diện không gian)
-Diễn biến của tình huống (bình diện thời gian)
-Mối liên kết của tình huống với các khâu khác của tác phẩm (chi phối đến tổ
chức hình thức của văn bản nghệ thuật truyện ngắn)
4.3. Rút ra ý nghĩa tư tưởng của tình huống: Thông điệp thẩm mĩ mà tình huống chứa đựng
-Về quan niệm: Toát lên quan niệm gì về nhân sinh, thẩm mĩ ?
-Về cảm xúc: Chứa đựng cảm xúc chủ đạo gì ?

5. Giảng dạy một số tác phẩm truyện ngắn từ góc độ tình huống truyện
Khi giảng dạy một tác phẩm truyện ngắn, sau phần Giới thiệu chung (giới thiệu về cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của tác giả; giới thiệu về hoàn cảnh ra đời tác phẩm), trong phần Đọc – hiểu văn bản, tôi thường hướng dẫn học tìm hiểu về tình huống truyện. Xuất phát từ tình huống truyện, tôi khai thác tác phẩm về các khía cạnh: nhân vật, kết cấu, nghệ thuật trần thuật,… Từ đó, tôi hướng dẫn học sinh rút ra được chủ đề tác phẩm.

Thứ Ba, 29 tháng 3, 2016

Thân phận bất hạnh và vẻ đẹp tâm hồn Vũ Nương

     Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam từ xưa đến nay đã trở thành đối tượng phản ánh của khá nhiều các tác phẩm nghệ thuật: âm nhạc, hội hoạ, thơ văn. Hình ảnh của họ xuất hiện dù bất kì ở hoàn cảnh nào dù hạnh phúc hay đau khổ, dù bất hạnh hay đớn đau - người phụ nữ trước sau như một vẫn là những người giàu lòng hi sinh, nhân hậu, cao thượng.Họ bước vào văn thơ như chính cuộc đời của họ. Có những câu chuyện kể, đã trở thành huyền thoại, thành truyện dân gian, thành truyện truyền kì kể đến muôn đời sau về tấm lòng chung trinh của họ. Nhân vật Vũ Nương trong truyện Người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ là người như vậy.      Nhân vật Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ được tác giả miêu tả là người con gái có tư dung tốt đẹp, thuỳ mị nết na. Một người con gái có sắc đẹp và đức hạnh như vậy hứa hẹn một tương lai hạnh phúc, cuộc đời của nàng sẽ sung sướng an lành. Sắc đẹp và đức hạnh của nàng đã lọt vào mắt xanh của Trương Sinh người cùng làng mến vì dung hạnh của nàng mà xin mẹ một trăm lạng vàng để cưới nàng về làm vợ.      Trong quan niệm của xã hội phong kiến một người được cưới hỏi mai mối đàng hoàng như nàng rõ ràng là danh giá lại được Trương Sinh mến yêu vì dung hạnh. Nhưng xét cho đến cùng Vũ Nương cũng bao người phụ nữ khác trong xhpk đều chịu chung bất hạnh là không được lựa chọn người bạn đời của mình. Hạnh phúc của họ vốn mong manh càng trở nên mong manh khi họ phải một mình chống lại trăm mối đe doạ từ nhiều phía và nguy hiểm nhất vẫn là những người chồng của họ.    

   Trương Sinh chồng của Vũ Nương yêu mến vợ nhưng lại có tính đa nghi hay ghen lại phòng ngừa quá sức. Lẽ dĩ nhiên ta hiểu điều gì xảy ra với Vũ Nương trong đời sống tinh thần của nàng khi luôn phải sống trong sự phòng ngừa quá sức của chồng nặng nề như thế nào. Chắc chắn Vũ Nương cũng chẳng được tự do cười nói, suốt ngày lầm lũi, không giao tiếp với ai. Nhưng việc nàng làm được đáng để cho chúng ta khâm phục: chưa từng để xảy ra nỗi bất hoà: Ở Vũ Nương ta có thể thấy được phẩm chất tuyệt vời của người phụ nữ Việt Nam, đấy là đức tính nhẫn nhịn đến quên mình vì hạnh phúc gia đình, vì người thân mà không màng đến những đau khổ của riêng mình. Rõ ràng nàng phải là người trân trọng hạnh phúc của gia đình mới có thể có những hi sinh đến quên mình ấy.         Song hạnh phúc mong manh của nàng chẳng được bao lâu, cuộc đời của Vũ Nương chuyển sang một bước ngoặt khác, khi Trương Sinh bị bắt đi lính. Những tưởng sự việc này xảy ra sẽ là một cách để giải thoát cho Vũ Nương, nhưng hãy chứng kiến cảnh Vũ Nương tiễn chồng đi lính và những lời nói của nàng dành cho người chồng:+ Nàng rót chén rượu tiễn chồng mà rằng: Thiếp chẳng mong được ấn phong hầu, áo bào trở về quê cũ…chỉ mong cho chàng hai chữ bình yên..+ Nhìn trăng soi thành cũ lại sửa soạn áo rét gửi người ải xa. Nhìn liễu rủ bãi hoang lại thổn thức tâm tình thương người đất thú. Dẫu có thư tín nghìn hàng cũng không mong có cánh hồng bay bổng.
      Ta thấy rằng: Rõ ràng việc Trương Sinh đi lính là một bất hạnh đối với Vũ Nương, nàng mất đi chỗ dựa tinh thần. Với nàng khát vọng cháy bỏng nhất và cũng là rất đỗi bình dị nhất đấy là sự bình yên cho chồng giữa hòn đạn mũi tên. Bởi vì sự bình yên cho chồng cũng có nghĩa là sự bình yên cho mái ấm gia đình. Nàng yêu chồng mình tha thiết, dám mạnh dạn bày tỏ tấm chân tình của mình với chồng. Những lời nói của nàng với chồng thể hiện nỗi nhớ nhung nghe sao da diết nồng nàn tình phu thê sâu nặng, không mảy may một chút giả tạo gượng ép nào. Những lời nói ấy thực sự ngân lên từ trái tim của người phụ nữ dành chọn tình yêu thương cho chồng, tràn đầy khát khao mong mỏi về hạnh phúc gia đình bình dị. Và để đặc tả nỗi nhớ và tấm chân tình này của Vũ Nương, Nguyễn Dữ đã dùng những hình ảnh của thiên nhiên hoạ lại một cách nồng nàn  bao niềm thương nỗi nhớ, bao thổn thức đau đáu của Vũ Nương khi cảm nhận trước được thời gian và không gian phải xa cách chồng như thế nào. Tất cả những cảnh vật hiện ra trước mắt nàng đều làm nàng nhớ đến người chồng của mình. Bao lá thư cũng không thể diễn tả hết được tình cảm của nàng dành cho chồng. Điều ấy, cho ta thấy Trương Sinh có vai trò quan trọng như thế nào trong cuộc đời của VN, và trong trái tim của nàng. 
         Tâm hồn trong sáng và tấm chân tình da diết cháy bỏng của VN đã lay động trái tim của những người chứng kiến “ứa hai hàng lệ” cảm thương cho hoàn cảnh của nàng đồng thời trân trọng, cảm phục  tấm lòng, tình yêu thương dành cho chồng của nàng một cách tuyệt đối. Lẽ dĩ nhiên cả người đọc chúng ta nữa làm sao không thể không xúc động trước người phụ nức đức hạnh vẹn toàn lại luôn bị chồng phòng ngừa quá sức. Nhưng trước cảnh biệt li vợ chồng VN lại đau khổ da diết nhớ thương. Cũng bởi một lẽ nữa, ta hiểu và đồng cảm với nàng: Tuy lấy TS về đời sống tinh thần không được nhẹ nhàng nhưng sẽ còn bất hạnh hơn nếu như TS tử trận nơi sa trường. Điều ấy, đồng nghĩa với việc cướp đi phũ phàng niềm vui nghi gia, nghi thất nàng luôn khát khao, cướp đi hạnh phúc mỏng manh mà bấy lâu nay một tay nàng gây dựng. Cuộc đời của VN càng gắn chặt với mái ấm gia đình của nàng hơn khi nàng sinh con. VN bây giờ không chỉ ghánh trọng trọng của một người vợ, của người con dâu mà còn là một người mẹ. Nhưng nàng đã làm tròn vai của mình: Một người vợ đảm đang chung thuỷ. Một người mẹ đức hạnh. Một người con dâu thảo hiền. Với người mẹ chồng, Vn đã tạo được mối quan hệ tốt đẹp nặng tình, nặng nghĩa, đã làm được cái điều xưa nay là việc khó của các nàng dâu: Tận tình chăm sóc, lựa lời khéo léo động viên mẹ lúc mẹ ốm đau. Vì thế đã dành được niềm tin yêu của người mẹ chồng. Đặc biệt lúc mẹ chồng trước khi nhắm mắt xuôi tay đã dành cho VN những lời nói đầy niềm tin yêu trân trọng: “Sau này trời xét lòng lành ban cho phúc đức, giống dòng tươi tốt con cháu đông đàn, xanh kia quyết chẳng phụ cũng như con đã chẳng phụ mẹ”
Có thể nói những lời của người mẹ tựa như vàng ròng. Một thứ vàng tâm được đúc ra từ tấm lòng tràn đầy niềm tin yêu cảm phục người con dâu hiếu thảo, nết na đức hạnh đã dành  hết tâm sức cho gia đình. Bà cầu Phật ban phúc đức cho người con dâu của mình. Tin vào lẽ công bằng, tin ông trời thấu hiểu cho tấm lòng hiếu thảo của người con dâu. Điều này, còn cho ta một suy nghĩ đáng để lưu tâm: Dù người mẹ chồng có thế nào đi chăng nữa nhưng nếu người con dâu có đức hạnh thì vẫn có thể hoá giải được mối quan hệ “mẹ chồng nàng dâu” trở nên  tốt đẹp. một người như Vũ Nương dung hạnh hơn người lẽ đương nhiên là được hưởng hạnh phúc xứng đáng với những gì nàng mong muốn khát khao. Song số phận lại đùa cợt với nàng.
Ngày Trương Sinh trở về những tưởng sẽ là những ngày hạnh phúc của Vũ Nương, bao lo lắng, bao nhớ thương, chờ đợi hi vọng của nàng sẽ được đền đáp. Nhưng không ngờ rằng cái ngày mà TS trở về lại là bất hạnh đến với nàng. Ngay từ giây phút đầu tiên TS trở về khi biết được mẹ mình đã mất TS đau lòng liên bế con ra mộ mẹ, mà không đoái hoài đến VN, không hỏi han VN được một câu. Đứng ở vị trí khách quan ta thấy: thực ra TS sau những năm tháng xa nhà vẫn là TS của ngày trước. Chúng ta không thể phủ nhận hoàn toàn TS là kẻ xấu vì ít ra cũng là người có hiếu  nhưng thói ích kỉ gia trưởng vẫn còn nguyên vẹn trong con người TS . Thời gian TS vắng nhà cũng là thời gian VN bao nhọc nhằn chăm vén cho gia đình, để đợi ngày TS trở về xây tiếp niềm vui nghi gia nghi thất . Song hành động của TS lại làm cho người đọc chúng ta linh cảm thấy điều gì đó chẳng lành sắp xảy ra với VN . Điều linh cảm của người đọc đã đúng. Điều mà VN từ trước đến nay VN đã cố giữ gìn không cho nó xảy ra đã đến với nàng nhưng chỉ có điều lần này nó kết thúc tất cả những hạnh phúc vốn rất mong manh của nàng. Từ câu nói ngây thơ của đứa trẻ: “Ô hay ông cũng là cha tôi ư? Ông lại biết nói chứ không như cha tôi trước kia chi nín thin thít…trước đây có người đàn ông đêm nào cũng đến mẹ Đản đi cũng đi mẹ Đản ngồi cũng ngồi nhưng chẳng bao giờ bế Đản cả”. TS vốn hay ghen lại thêm câu nói ngây thơ của đứa trẻ đã xoáy vào lòng TS vốn đã có tính đa nghi và như dầu đổ vào lửa thổi bùng lên ngọn lửa ghen tuông vốn đã thành máu trong TS. Thế là TS không cần hỏi han cho rõ cơ sự bất chấp những lời giải thích kể cả sự bênh vực lên tiếng của hàng xóm, về nhà đổ cho vợ cái tội tày đình: tội thất tiết lên đầu vợ. Trong xã hội phong kiến xưa kia người phụ nữ mà mắc tội này – cái giá mà họ phải trả có thể là cái chết rất đau đớn vê thể xác lẫn tinh thần.+ Với Vn cũng chỉ vì thương nhớ chồng và thương con không nhận được tình cảm của người cha như bao đứa trẻ khác, nàng cho con hình dung người cha bằng chính cái bóng của mình trên vách mỗi khi trời tối. Nhưng nghiệt ngã thay, oan nghiệt thay cái bóng lại trở thành nỗi oan nghiệt không có cách nào gỡ nổi cho nàng.+ Trước nỗi oan tày đình người chồng đổ lên đầu mình, trước sau vẫn giữ trọn đạo làm vợ, vẫn dùng những lời nhẹ nhàng nói với chồng để cởi bỏ mối nghi ngờ. Nhưng TS vẫn tàn nhẫn, lạnh lùng không những không cho nàng thanh minh mà còn mắng chửi đánh đuổi nàng ra khỏi nhà. Sự ghen tuông mù quáng cùng với sự vô học đã dẫn đến hành động hồ đồ đổ nỗi oan lên đầu vợ, còn cạn tàu dáo máng, bạc tình, bạc nghĩa đánh đuổi VN. Là người phụ nữ giàu lòng tự trọng, biết không thể gỡ nổi nỗi oan, cũng như mong ước giản dị về hạnh phúc gia đình đã bị tan vỡ nàng đã nói lời cuối cùng với chồng:Nay bình rơi châm gãy, mây tạnh mưa tan, sen rũ trong ao, liễu tàn trước gió, khóc tuyết bông hoa rụng cuống, kêu xuân con én lìa đàn, nước thẳm buồm xa”.Lần này Nguyễn Dữ cũng dùng những hình ảnh của thiên nhiên để diễn tả tâm trạng nhưng lần này là diễn tả tâm trạng tan nát, từng câu từng chữ như từng giọt máu dứt ra từ trái tim bất hạnh của nàng. Trái tim của nàng như tan vỡ ra từng mảnh theo những đứt gãy, theo tiếng kêu ai oán thảm sầu cuốn vào mây gió, nước thẳm. Thế là hạnh phúc mà nàng chắt chiu từng giọt nay đã bị TS hất xuống đất rồi, không cho nàng có cơ hội xây dựng hạnh phúc mà bấy lâu nay nàng một lòng một dạ vun vén. Nhưng ngay cả trong những lúc như thế này ta vẫn thấy trong cái quằn quại đau đớn VN hiện lên là một người vợ ngoan hiền, tấm lòng đầy khát khao về mái ấm gia đình.VN đã cố gắng hết mình ngay từ khi bước chân về nhà chồng để xây dựng hạnh phúc gia đình nhưng đến bây giờ tất cả đã hoá thành mây gió. Tuyệt vọng và đớn đau, VN đã tìm đến cái chết để thoát khỏi nỗi oan. Đối với nàng, không còn con đường nào khác.Hành động đi đến cái chết của VN là đúng hay sai? Nó chứng tỏ VN là người như thế nào?Xét vào hoàn cảnh của nàng ta thấy: VN ngay từ khi về nhà chồng nàng đã đặt hết tâm sức của mình cho gia đình, vượt qua bao sức ép về tinh thần luôn làm tròn vai của một người vợ, người mẹ, người con dâu hiếu thảo. Hơn ai hết nàng khát khao mái ấm gia đình có niềm vui nghi gia nghi thất và đặc biệt dành được sự trân trọng tin yêu của người mẹ chồng. Kể cả khi bị chồng đổ nỗi oan tày đình, dùng những lời lẽ thoá mạ nàng, VN vẫn trước sau nhẹ nhàng giữ cái đạo làm vợ. Nhưng tất cả đã chấm hết với nàng. Chỗ dựa tinh thần duy nhất của nàng. Người đảm bảo có thể giữ được hạnh phúc cho nàng đã chối bỏ nàng một cách phũ phàng. Vn trở thành người không chốn nương thân. Xét vào hoàn cảnh xã hội khi ấy: Với bao nhiêu lễ giáo phong kiến ngặt nghèo thắt chặt lấy Thân phận người phụ nữ. Một người giàu lòng tự trọng như VN, lại bị chồng ruồng rãy, thử hỏi có thể sống trong xã hội ấy không?
Vì vậy quyết định đi đến cái chết của VN là đúng và hoàn toàn có thể thông cảm được.Đồng thời nó chứng tỏ cho bản lĩnh của nàng. VN dám sống và cũng dám chết. Nàng đi đến cái chết một cách rất bình tĩnh, chủ động: Trước khi chết tắm gội chay sạch, kêu với trời đất, kêu với dòng sông giọng điệu rất tỉnh táo, rõ ràng. Nàng thề độc với dòng sông………….Rõ ràng VN là người muốn sống hơn ai hết nhưng nàng phải chết. Quyết định đi đến cái chết của VN là một quyết định dũng cảm. Cảm phục thay tấm lòng trinh bạch của VN. Cảm phục thay ở người phụ nữ vốn rất mực hiền lành dịu dàng, nhẫn nhịn đến quên mình để chăm vén cho gia đình nhưng lại rất cứng cỏi và bản lĩnh khi chẳng còn cách nào khác, sẵn sàng đi đến cái chết để chứng tỏ cho tấm lòng của mình.
Cái chết củaVN trong bi kịch của gia đình mình, là người tố cáo mạnh mẽ với những xấu xa trong XHPK. Ở đó người phụ nữ không có khả năng bảo vệ mình, họ mỏng manh và cô độc trước những độc đoán, gia trưởng của những người chồng. Họ luôn phải sống trong ràng buộc ngặt nghèo, nghiệt ngã của lễ giáo PK. Họ có thể bị đổ oan, bị dồn đến cái chết bởi những lí do vô lí cho dù trước đó họ có tốt đến như thế nào đi chăng nữa.
Cái chết của Vn mãi là hình ảnh ám ảnh và nhắc nhở chúng ta về quyền sống, quyền được mưu cầu hạnh phúc, quyền được bảo vệ và yêu thương của những người phụ nữ.Có người nói cái bóng đã gây nên cái chết oan nghiệt cho VN. Nhưng theo tôi không phải thế. Cái bóng được sinh ra từ lòng yêu thương ấy không hề có tội. Mà người có tội chính là TS với thói ích kỉ, ghen tuông mù quáng, thói gia trưởng, nam quyền mà XHPK trao cho những người đàn ông, TS chỉ là một trong cả cái xã hội phong kiến ấy mà thôi. TS không hẳn là kẻ xấu bởi sau cái chết tức tưởi của VN TS đã thức tỉnh, động lòng thương tìm vớt thây nàng nhưng không thấy. Cuộc đời như một trò đùa với TS cũng chính từ lời nói của đứa con, khi cái bóng của lòng yêu thương xuất hiện trong đêm đã thức tỉnh TS, thấu hiểu nỗi oan của vợ nhưng tất cả đã muộn với TS.
          Sau cái chết của VN câu chuyện có thể kết thúc nhưng tác giả và cả chúng ta nữa mong sao có phép thần tiên cứu sống VN. Song điều ấy chỉ có trong cổ tích mà thôi,có lẽ thấu hiểu được điều ấy của người đọc và chắc chắn cả từ nhưng điều thực hư về nàng nữa trong cuộc đời nên ND đã sáng tạo ra phần đời tiếp theo của nàng dưới thuỷ cung khi nàng được các nàng tiên nữ cảm thương mà rẽ nước cho nàng cho nàng xuống con nguyên lành thể xác, để rồi được giải oan. Nhưng ý nghĩa sâu xa trong phần sáng tạo thêm này của tác giả là gì ?
              Có lẽ ý nghĩa đầu tiên mà ta nghĩ đến, đấy chính là một lần nữa hoàn thiện vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ vốn  tư dung tốt đẹp này: đấy là khi gặp Phan lang người cùng làng qua lời đối thoại của nàng với Phan lang khi nói VN nói về nguyên nhân tại sao lại phải xuống thuỷ cung: “Tôi không may bị người vu oan” chứ không hề oán than, trách móc TS. Điều ấy chứng tỏ Vn trước sau vẫn mãi là người vợ ngoan đạo, mọt lòng một dạ giữ danh dự cho chồng, nghĩ cho chồng. Một phần nàng cũng không muốn nhắc lại nỗi đau, nỗi oan nghiệt của nàng chưa được hoá giải. Nhưng đặc biệt khi Phan lang nhắc đến TS: “ Thế còn tiên nhân ngày đêm mong nhớ nàng thì sao” thì VN ứa hai hàng lệ. Ta có thể cảm nhận được những gì đang diễn ra tâm trạng của Vn:  Nhắc đến TS là nhắc đến nỗi oan nghiệt của nàng, và khát vọng được giải oan lại cháy lên trong nàng,  cả nỗi nhớ chồng, con, gia đình lại cồn cào thổn thức. Cũng chính vì thế Vn đã đi đến một một quyết định táo bạo: Gửi lời nhắn cùng với đôi hoa tai vàng qua Phan Lang cho TS để lập đàn giải oan cho nàg nếu TS còn nhớ đến tình xưa. Chi tiết này lại cho ta thấy Vn hơn ai hết là người hiểu TS, rõ ràng là có yêu thương thì mới hiểu chồng của mình đến vậy.
      Chi tiết VN trở về kì ảo lộng lẫy trên mặt sông trên kiệu hoa theo sau 50 chiếc xe cờ tán võng lọng rợp cả một khúc sông, cùng với lời nói của Vn từ giữa sông vọng vào cho ta những rung động khôn nguôi về VN: Vn vẫn mãi là người vợ ngoan hiền, một mực kính chồng khi nói trong bao tiếc nuối như không thể nào khác được: thiếp đa tạ tình chàng nhưng thiếp chẳng thể trở về nhân gian được nữa. Vẫn còn đấy trong câu nói của VN bao diết đầy ân tình như chẳng bao giờ có chuyện TS đối xử tệ bạc với mình. Tấm lòng hỉ xả như Phật Bà, nhưng vẫn nặng ân nghĩa cõi trần tục ấy của VN quả là đáng trân trọng biết bao. Dẫu biết rằng câu chuyện có những nét hư thực, nhưng ta vẫn tin ở đời này có một VN như thế với tên tuổi quê quán rõ ràng - Người con gái Nam Xương.
      Những chi tiết kì ảo trong cuộc đời thứ hai của VN dưới thuỷ cung vừa nói lên khát vọng cháy bỏng của nhân dân ở lẽ công bằng ở điều nhân quả. Nhưng đồng thời cũng làm nổi bật tính bi kịch của câu chuyện: VN tuy được sống nơi sung sướng, nơi không có khổ đau, bất công nhưng tất cả chỉ là ảo ảnh mà thôi vì thế giới tiên cảnh thì làm gì có thực. VN có trở về rực rỡ đi nữa thì cũng chỉ là ẩn hiện tạ từ rồi biến mất. VN chết thì không bao giờ sống lại được, hạnh phúc không bao giờ có thể tìm lại được cho VN, cũng như nỗi oan gnhiệt của nàng mãi chìm vào sông nước Hoàng Giang. Đó chính là bi kịch. Điều đó cũng nói lên niềm thương cảm sâu sắc và nỗi đớn đau của nhân gian và cũng là của tác giả Nguyễn Dữ với số phận bi thảm, bất hạnh nhưng lại sáng ngời nhân phẩm và đức hạnh của người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Chẳng thế mà suốt năm trăm năm qua nơi chính điện thờ bà vẫn nghi ngút toả khói hương của nhận gian thương tiếc Nàng.
      Người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ với cách kể truyện dung dị cũng với những tình huống chi tiết có kịch tính, kể về thân phận bất hạnh oan nghiệt mà tâm hồn luôn ngời sáng tấm lòng hỷ xả như Phật Bà của VN, có ý nghĩa tố cáo sâu sắc những xấu xa của XHPK mà đại diện ở đây là TS đã đẩy người phụ nữ đức hạnh dung hạnh vẹn toàn đến cái chết oan nghiệt mà chẳng hiểu vì sao. Xét trong xã hội ngày nay, Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ vãn còn có giá trị thời sự to lớn. Nó nhắc nhở chúng ta về quyền sống, quyền được mưu cầu hạnh phúc, quyền được bảo vệ của những người phụ nữ. 
----------------------------------------------------------------------------------------------------
 Bài đã đăng trên trang Lại Việt Dũng của Violet và được đăng lại trên Vanhocchiase năm 2013. Vì nhiều lý do, trang tạm thời xóa. Năm 2016 trang Vanhocchiase được lập lại. 
( Lại Việt Dũng)


" Oan Nghiệt" - PHẬN THI SĨ

Có lẽ ai mê thơ Nguyễn Bính cũng không thể không nhớ đến hai câu thơ dưới đây như một nỗi ám ảnh không thôi về Phận thi sĩ:  bạc bẽo và ẩn nấp đầy oan nghiệt đúng như cái tên bài thơ của ông Oan Nghiệt:
Nhất kiêng đừng lấy chồng thi sĩ
Nghèo lắm, con ơi! Bạc lắm con!
                                                       ( Oan nghiệt) 
Cái oan nghiệt của cuộc đời hay của thế sự như một lẽ mặc nhiên lúc nào cũng treo lơ lửng trên đầu mỗi Thi nhân như thanh gươm Damoclet? Nguyên nhân là vạ miêng hay tư tưởng cũng như tầm nhìn của các Thi nhân bao giờ cũng thế không thể ở mãi dưới một gầm trời "mênh mông" nhưng mà "trật trội"(chữ dùng của Lại Nguyên Ân) mà phải tìm cách để một là bay lên khỏi bờ hoặc tìm đường xuống cát bụi nấp và "bóng chữ" hành khất trên những con "đường chữ" mà những kẻ ngu si nhưng gươm giáo đầy tay không có cách nào "tìm và diệt" được?Có phải có những lúc những Thi sĩ oan nghiệt ấy phải ôm cái hận thôi không thể và không bao giờ thể "thà một phút huy hoàng" được bởi vì đã kịp huy hoàng đâu đã bị "tắt" rồi,bị đấm bị đá cho tơi bời thân kiếp cóc ngoé hiền lành cũng thành món ăn ngon vạ vật chờ ngày cho Ông trời nhìn thấy ngọc trong trai. Nhưng than ôi lũ ngu si ngưu ẩm đâu biết Ngọc trong trai đâu mà minh mới giải mà có nhìn thấy chúng cũng cóc cần, chúng đập nát cả trai và ngọc cho vào nối nấu nướng thành cháo hết thảy mà hố mà há hỉ hả hê ha. Có phải cái phận oan nghiệt đến khủng khiếp đấy không mà cô con gái vốn giỏi văn đầy chất nghệ trong mình được di truyền của một người cha Thi sĩ vào hàng bậc nhất tài hoa của văn chương hiện đại tác giả của những giọt nước mắt "những chân trời không có người bay"  và của "những người bay không có chân trời" đã "bị" mẹ không cho theo nghiệp văn chương mà hướng con theo toán. Việc bất khả kháng ấy cũng là một bi kịch đầy nước mắt của một gia đình Văn nhân cũng là của cả xã hội. Cái tư tưởng ấy đâu phải chỉ là của những năm 60, 70 của thế kỉ trước, xã hội bây giờ cũng mấy ai trọng văn chương? Họ sợ văn, xa văn như sợ hủi. Phải học những môn tự nhiên thì mới thành người? Nghĩ đến đây tôi lại chợt nhớ đến Viên Mai  (1716-1797) quê Tiền Đường (Hàng Châu) đỗ Tiến sĩ và làm Quan Tri huyện. Năm 40 tuổi cáo quan về ở ẩn trên núi Tiểu Thương Sơn ngồi viết " Tùy Viên thi thoại " (nói truyện thơ ở vườn Tùy) và " Tử bất ngữ "cùng đành phải hạ bút với bao đau đáu nỗi niềm:
Mỗi phạn bất vong duy trúc bạch
Lập thân tối hạ thị văn chương
(mỗi bữa không quên ghi thẻ trúc,
Lật thân thấp (hèn) nhất ấy văn chương)

Phải chăng văn chương vốn kỵ chốn quan trường? Từ cổ chí kim có bao nhiêu Thi sĩ vì muốn cho văn chương ly dị khỏi chính trị trỏ mặt chỉ tên anh chồng vũ phu thô bạo khăng khăng chỉ có " Nhân văn - Giai phẩm" thôi mà  bị đánh cho nát mặt chỉ còn mỗi linh hồn mãi là Thi sĩ? Người viết bài này chưa đủ tầm để trả lời câu hỏi ấy nhưng bất giác chợt nhớ đến trường hợp Tạ Đình Đề - người con của Thanh Oai - Hà Tây - Một huyền thoại về võ nghệ siêu quần trong ngành tình báo cũng chỉ vì đọc nghêu ngao mấy câu đồng dao mà bị vạ miệng phản tuyên truyền cũng bị vào tù ra tội với biệt danh "tú tài"(tái tù) - ông  tự phong. Than ôi....cái vạ văn chương có muôn đường vạ đâu cứ phải Thi sĩ mới bị vạ văn chương mới bị oan nghiệt đến tiệt cả kiếp người....???
Phận Thi sĩ ơi....nghĩ mà rơi nước mắt......
                                              Hà Nam, ngày 15 tháng 10 năm 2012